BỆNH TRẺ NHỎ DỄ BỊ NHIỄM VÀO MÙA ĐÔNG (冬にかかりやすい病気)
Trời bắt đầu vào mùa đông, thời tiết trở nên lạnh và hanh khô. Đây là kiểu thời tiết đặc biệt thích hợp cho sự phát triển của các loại virus, đặc biệt là virus gây viêm đường hô hấp. Sau đây là thông tin về một số loại bệnh do virus mà các bé thường bị mắc phải vào mùa đông. Các bố mẹ hãy tham khảo để có những cách phòng bệnh và chữa bệnh hiệu quả cho bé nhé.
Bệnh cúm mùa インフルエンザ
- Triệu chứng đặc trưng:
Sau thời gian ủ bệnh (潜伏期間せんぷくきかん) khoảng 1-2 ngày, bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như đột nhiên ớn lạnh, sốt cao (高熱), đau đầu (頭痛), đau mỏi cơ hoặc xương khớp (関節や筋肉痛), mệt mỏi, uể oải (だるい). Nhiều trường hợp bị ho dữ dội (激しいせき). Nhiệt độ cơ thể có thể lên tới gần 40oC.
Các triệu chứng mệt mỏi, uể oải có thể giảm đi sau 3-4 ngày. Thông thường bé sẽ hết sốt và khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, các bố mẹ cần lưu ý rằng một số loại virus cúm mùa đặc biệt mạnh có thể dẫn tới viêm phế quản (気管支炎), viêm phổi (肺炎) hoặc viêm tai giữa (中耳炎).
- Phòng tránh nhiễm bệnh:
Bệnh cúm mùa không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng rất dễ bị lây nhiễm. Vì vậy việc phòng tránh lây nhiễm cần thực hiện cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Tiêm vắc xin: Virus cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất mạnh mẽ, vì vậy việc phòng chống lây nhiễm một cách triệt để là khá khó khăn. Tuy nhiên, tiêm vắc xin có thể làm giảm khả năng lây nhiễm và phòng tránh biến chứng nặng khi bị nhiễm virus – nếu có bị nhiễm cũng chỉ có các triệu chứng nhẹ và nhanh khỏi bệnh. Vì vậy khuyến cáo các bố mẹ hãy tiêm phòng cúm cho trẻ hàng năm trước khi vào mùa dịch.
Để tìm hiểu kỹ hơn về tiêm phòng cúm (インフルエンザ予防接種), các bạn có thể xem ở đây.
Rửa tay thường xuyên: Khi đi ra ngoài về hãy rửa tay thật sạch bằng xà bông. Khi đi ra ngoài mang theo cồn rửa tay để có thể vệ sinh tay bất cứ lúc nào.
Tạo môi trường virus khó hoạt động: Virus dễ dàng hoạt động trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm thấp. Hãy giữ cho phòng ấm áp và có độ ẩm thích hợp (trên 60%).
Tăng cường khả năng miễn dịch: Khi cơ thể mệt mỏi, khả năng miễn dịch kém đi làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Vì vậy hãy giữ nếp sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, vận động cơ thể, ăn uống đầy đủ.
- Trị bệnh:
Nghỉ ngơi (安静): Khi đã bị nhiễm virus cúm mùa, việc nghỉ ngơi là quan trọng hàng đầu. Cơ thể sẽ mệt mỏi trong vòng khoảng 1 tuần – và trong thời gian này việc nghỉ ngơi đầy đủ là rất cần thiết. Kể cả khi cơ thể đã hết sốt, cũng cần nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khỏe cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh trở lại.
Uống nước đầy đủ (水分補給): Khi sốt cao, cơ thể mất nước rất nhanh, dễ dẫn đến tình trạng bị thiếu nước (脱水症状). Ngoài bú mẹ/ sữa công thức hãy cho bé uống thêm những đồ dễ uống như trà lúa mạch (麦茶), nước mát, nước ion dùng cho trẻ nhỏ (ベイビー用イオン飲料). Cha mẹ hãy quan sát các biểu hiện như số lần và lượng đi tiểu (おしっこ) của trẻ, tình trạng khô môi của trẻ để biết liệu trẻ có đang bị thiếu nước hay không, và bổ sung nước cho trẻ.
Đi khám và dùng thuốc: Cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám để được bác sỹ tư vấn và cấp thuốc nếu cần thiết. Đối với bệnh cúm mùa, đã có thuốc kháng lại và hạn chế sự phát triển của virus trong cơ thể – thuốc Tamiflu (タミフル). Tuy nhiên hãy sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Bệnh hô hấp do nhiễm virus RS (RSウイルス感染症)
Hầu hết người lớn đã có kháng thể đối với loại virus này, nên chủ yếu lây nhiễm ở trẻ từ 1-2 tuổi. Theo thống kê 100% trẻ nhỏ đến 2 tuổi sẽ bị nhiễm virus này. Khi người bị bệnh ho hoặc hắt xì, dịch mũi/ họng mang theo virus sẽ bắn ra ngoài. Nếu trẻ tiếp xúc với dịch mũi/ họng này sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Triệu chứng đặc trưng:
Thời gian ủ bệnh từ 4-6 ngày. Khi phát bệnh trẻ sẽ bị các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường: chảy nước mũi, ho có đờm kèm theo sốt. Khoảng 30% số trẻ bị nhiễm sẽ có biến chứng nặng hơn như viêm tiểu phế quản (細気管支炎) hoặc viêm phổi (肺炎).
Về sau, trẻ có thể sẽ nhiễm virus lại thêm nhiều lần nữa, nhưng những lần nhiễm lại triệu chứng sẽ nhẹ đi nhiều, chỉ giống như cảm lạnh.
Những trẻ có nguy cơ biến chứng cao:
Với cảm lạnh thông thường, virus chỉ gây ra viêm đường hô hấp trên (上気道炎症) như mũi và họng. Còn virus RS thì có khả năng gây ra cả viêm đường hô hấp dưới (下気道) như tiểu phế quản và phổi. Vì vậy với trẻ bị nhiễm virus RS lần đầu, có tới 30% sẽ bị biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi với các triệu chứng như khó thở (呼吸困難), thở khò khè.
Những trường hợp cần đặc biệt chú ý là: trẻ bị nhiễm virus khi chưa đủ 3 tháng tuổi; trẻ sinh non; trẻ bị các bệnh bẩm sinh (先天的病気) về tim (心臓), đường hô hấp (呼吸器), cơ bắp (筋肉), thần kinh (神経)…Những trường hợp này trẻ có nguy cơ biến chứng cao, cha mẹ cần hết sức chú ý và đưa trẻ đi khám sớm.
- Trị bệnh:
Vì virus này chưa có thuốc đặc trị, nên các phương pháp điều trị chủ yếu để đối phó với các triệu chứng của bệnh (vị dụ dùng thuốc hạ sốt hoặc thuốc điều trị viêm họng…)
Với nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng cao, cha mẹ có thể cho trẻ đi tiêm kháng thể chống virus RS có tên gọi là シナジス(hay パリピズマブ) trước khi vào mùa dịch, trong mùa dịch mỗi tháng tiêm 1 lần. Loại thuốc này được bảo hiểm chi trả. Các bố mẹ hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn.
Với trường hợp trẻ có triệu chứng nhẹ, cha mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nước nếu trẻ bị sốt, và theo dõi tình trạng của con. Nếu có các biểu hiện nặng như sốt cao kéo dài, ho dữ dội, khó thở thì hãy cho bé đi khám ngay nhé.
Bệnh tiêu chảy do nhiễm virus
Virus gây tiêu chảy ở trẻ chủ yếu có 2 loại là: Virus Noro (ノロウイルス) và Virus Rota (ロタウイルス). Virus Noro thường hoạt động từ mùa thu đến đầu mùa xuân, còn virus Rota thì lây lan mạnh nhất vào giữa mùa đông.
- Triệu chứng đặc trưng:
Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày. Khi phát bệnh trẻ có biểu hiện nôn mửa nhiều (激しい嘔吐), tiêu chảy nhiều (激しい下痢) (ngày 5-6 lần). Nếu là virus Noro, trẻ bị tiêu chảy nặng trong khoảng 1-2 ngày là đỡ, còn virus rota gây tiêu chảy kéo dài khoảng 1 tuần -phân thường có màu xám rồi chuyển sang màu hơi trắng như đất sét. Có những trường hợp khi phát bệnh trẻ chưa tiêu chảy, chỉ nôn mửa và sốt. Trường hợp bị sốt thì thường chỉ sốt tầm nửa ngày là hết.
Trường hợp trẻ vừa bị nôn, vừa tiêu chảy, vừa sốt, cha mẹ cần hết sức chú ý tránh để trẻ bị tình trạng mất nước (脱水症状).
Các biểu hiện của tình trạng mất nước:
- Môi trẻ bị khô, nứt nẻ (唇が乾く)
- Số lần và lượng đi tiểu giảm (おしっこの量や回数が減る)
- Sắc mặt trẻ nhợt nhạt, tiếng khóc yếu, mệt mỏi (顔色が悪く、泣き声が弱々しくなり、ぐったりしてくる).
- Thở khó khăn (呼吸が苦しそう).
Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám.
- Trị bệnh:
Chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tiêu chảy do nhiễm virus. Vì vậy chỉ có cách điều trị các triệu chứng như sốt, đau đầu, tiêu chảy …và chờ cho bé khỏi bệnh.
Hiện nay đã có vắc xin phòng virus Rota dạng uống. Tuy nhiên đây là loại vắc xin tự nguyện, phải tự phí hoàn toàn (khoảng 3 man Yên). Nếu muốn hãy cho trẻ uống chậm nhất là trước khi được 8 tháng tuổi (thông thường bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ uống từ tầm 2-4 tháng tuổi). Vì vắc xin Rota có thể có tác dụng phụ gây ra hiện tượng lồng ruột (腸重積ちょうじゅうせき) ở trẻ có tháng tuổi cao.
- Phòng bệnh:
Cũng giống như các bệnh lây nhiễm do virus khác, phòng bệnh chủ yếu bằng cách cố gắng không mang virus về nhà. Rửa tay xúc miệng sau khi đi ra ngoài về, mang khẩu trang khi ra ngoài. Rửa tay trước khi ăn. Thường xuyên vệ sinh khử khuẩn đồ dùng trong nhà, giặt là quần áo.
Trên đây là 3 loại bệnh lây nhiễm do virus đặc trưng mà trẻ thường mắc vào mùa đông. Trẻ đang trong quá trình hoàn thiện hệ miễn dịch và kháng thể nên việc mắc bệnh không phải là điều đáng lo ngại. Bố mẹ hãy bình tĩnh khi trẻ bị ốm, có cách chăm sóc phù hợp và thăm khám kịp thời để giúp trẻ nhanh tróng khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe nhé.